Câu chuyện về sách dịch


(VanVN.Net) - “Tôi cảnh giác với các bản dịch”, đó là nhận xét của một người đọc trên trang web  Goodreads.  Vấn  đề  đặt  ra  ở  đây  là:  Sách  dịch  bao  gồm  những  thể loại nào? Có đúng là độc giả thực sự không muốn đọc sách dịch? Thái độ dè chừng này đến từ đâu?
Joanna Zgadzaj  Nancy Roberts (Anh)

Năm ngoái, trong Ngày quốc tế dành cho dịch thuật (International Translation Day), Alexandra Buchler đã cung cấp một thống kê của các bản dịch. Tại Anh, dịch chỉ chiếm 2,5 % trong tổng số ấn phẩm, và chiếm 4,5 % sách văn học. Tại Hoa Kỳ, một quốc gia tự hào về lịch sử di dân của nó, là 3%. Đáng kinh ngạc là tại Ba Lan, sách dịch chiếm 46%, sau đó là Tây Ban Nha với khoảng 24%, tiếp theo là Pháp 15%, và Đức, hơn 12%.
Anh là một xã hội đa văn hóa, với một lịch sử nhập cư phong phú và sôi động, là đất nước mà cứ 8 người thì có một được sinh ra ở nước ngoài. Xã hội Anh đã trải qua nhiều biến động trong những năm gần đây. Những thay đổi này có được phản ánh trong nền văn hóa? Có vẻ như khi nói đến tiếng nước ngoài, Anh là đất nước ít cởi mở về văn hóa nhất.

Nhận xét chung đối với thị trường sách dịch là luôn trong tình trạng khó khăn. Thường thì khách hàng tìm đọc một cuốn sách mới thông qua đánh giá về cuốn sách ấy. Tất cả các nhà xuất bản chủ yếu dựa vào những đánh giá mà nắm bắt thị trường. Và mặc dù thời của Đế quốc Anh đã đi qua, nhưng có vẻ như các phương tiện truyền thông chính thống vẫn quá bảo thủ đối với văn học dịch. Trong một cuộc họp công khai ở Anh với một tòa soạn lớn, chúng tôi đã nói về các cuốn sách của các tác giả Anh, Mỹ, và chúng tôi nhận được một câu trả lời: “Chúng tôi là một tờ báo Anh”. Thật vô nghĩa để tranh luận về ảnh hưởng của văn học nước ngoài đối với Anh trong giai đoạn này. Mức độ thiếu hiểu biết và nỗi lo sợ vô căn cứ bởi các nhận xét, đánh giá đối với văn học dịch thật đáng kinh ngạc. Ngược lại với xuất bản truyền thống, các Blog lại rất chào đón và cởi mở với việc chấp nhận sách dịch.

Xuất bản sách dịch là một câu chuyện tốn kém. Nếu bạn nhận được chi phí 100% cho việc dịch, đó là sự may mắn đối với bạn. Đôi khi bạn còn chẳng nhận được gì, thậm chí còn phải đối mặt với việc bị phớt lờ. Lý do rất đơn giản, chi trả cho việc dịch là một cái giá quá đắt. Nếu như một nhà xuất bản quyết định cho ra lò một cuốn sách được viết bằng ngôn ngữ không phải là tiếng Anh, tác giả của nó thế nào cũng sẽ là người từng đoạt giải thưởng văn học, hoặc một danh hiệu nào đó tương đương. Có thể, đây chính là điều kiện cần để sách dịch được ra đời. Và cũng chính bởi vì vậy mà những cuốn sách được dịch sang tiếng Anh đa phần là cao quý và trang trọng.

Bây giờ, hãy thử đảo ngược lại việc này và nói rằng, chúng ta muốn xuất bản tác phẩm của một tác giả trẻ vô danh bất kỳ nào đó ở nước ngoài, nhưng đã viết được một cuốn sách hay. Làm thế nào để chúng ta thuyết phục người đọc trong khi họ thậm chí còn chẳng thể phát âm nổi tên của tác giả ấy? Họ có dành thời gian để quan tâm và cho những đánh giá trên các phương tiện truyền thông không?

Chưa có những đánh giá công khai, điều đó cũng có nghĩa là không có chuyện tiêu thụ. Sau tất cả những điều này, bạn có còn giữ cái quyết định cho xuất bản sách kia chăng? Nếu tác giả của bạn không được biết đến ở Anh, không thông thạo tiếng Anh, không viết về một loại hình giải trí hoặc là điều gì đó cấm kỵ trong Thiên Chúa, rất ít lễ hội văn học quan tâm đến việc sẽ cung cấp cho bạn một không gian để trưng bày. Là một nhà xuất bản, bạn chắc chắn sẽ phải suy nghĩ rất cẩn thận đối với thời gian và vùng đất mà bản dịch có thể chiếm được khi tung ra thị trường.

Không có gì đáng ngạc nhiên khi sách dịch đa số được thực hiện bởi các nhà xuất bản nhỏ và độc lập. Nhưng, họ hầu như không thể cạnh tranh với sức ép trên thị trường. Bạn sẽ thấy một tấm biển quảng cáo cho một tiêu đề sách dịch trên tàu điện ngầm London vào lúc nào? Có lẽ là chỉ khi làn sóng hâm mộ đối với tiểu thuyết tội phạm vùng Bắc Âu chìm xuống, và bằng một cách nào đó, các bản dịch vượt được qua rào cản, thực sự chảy vào dòng chính. Tuy nhiên, nếu ta nhìn vào bằng một góc độ khác, ta sẽ thấy rằng, dù không có thu nhập đối với xuất bản sách dịch, nhưng nó vẫn được thực hiện. Điều này có nghĩa là vẫn có những người thực sự nghiêm túc và đam mê đối với văn học dịch. Đam mê đủ lớn để họ có thể trợ cấp cho tác phẩm mà họ yêu quý.

Mọi người đang phải vất vả để chi trả cho thực phẩm và năng lượng. Hiệu sách và thư viện phải đóng cửa. Các nhà xuất bản lớn ngày càng có cơ hội để phát triển quy mô. Còn các nhà xuất bản nhỏ, may mắn lắm mới có thể sống sót nổi. Amazon không được yêu thích cho lắm bởi các nhà xuất bản và nhà sách độc lập, nhưng nó lại được đa số các tác giả lựa chọn. Dù thích hay không thì Amazon vẫn có số lượng tiêu thụ sách lớn nhất. Đối với báo chí nhỏ và chúng tôi, thì Amazon là một sự khác biệt lớn với các phương tiện truyền thông đại chúng. Amazon không đưa ra các đánh giá và sẽ bán bất kỳ cuốn sách nào mà độc giả muốn mua. Có phải là các nhà xuất bản cũng nên lưu ý điều này không?

Sau tất cả những vấn đề này, cái mà chúng tôi quan tâm là sách dịch có giá trị như thế nào trong xuất bản? Nếu chúng ta không tin tưởng vào bản thân, và không có niềm đam mê đối với các câu chuyện tuyệt vời, chúng ta sẽ không làm điều này. Sức ép từ các nhà xuất bản lớn và rủi ro trong xuất bản là rất lớn. Các nhà xuất bản lớn sẽ tiếp tục củng cố vị thế của họ, họ điều khiển và vận hành xuất bản không phải bằng niềm đam mê đối với một câu chuyện hay. Nhà xuất bản nhỏ thì thiếu thốn đủ thứ. Tài chính, nhân sự, tiếp thị,… và tiền lương để trả công cho nhân viên đã vất vả làm việc. Chúng tôi không được trả tiền, nhưng chúng tôi vẫn làm. Không quan trọng với việc cuốn sách đó được viết bằng tiếng Anh hay bất cứ một ngôn ngữ nào khác. Cái chính là chúng ta có yêu thích nó không? Và độc giả có dành cho những câu chuyện ấy tình yêu như chúng tôi đã dành?

Trong những năm gần đây, một số lượng lớn các tờ báo nhỏ đã xuất hiện trên thị trường, và một nửa trong số các cuốn sách trên danh sách Booker sàng lọc năm nay đã được công bố thông qua nó. Điều này được ca ngợi như là “Ngày độc lập”, cho thấy quyết định tham gia và sự vận hành của các nhà xuất bản nhỏ. Có thể, các phương tiện truyền thông đã bắt đầu nhận ra điều này. Chúng tôi rất vui mừng khi thấy các giải thưởng ở Anh đã bao gồm cả tên của các bản dịch và các giải thưởng độc lập cho tác phẩm của người nước ngoài. Văn học gần đây đã được đưa lên trên các trang web quốc tế cùng với tên tuổi của các nhà văn từ khắp nơi trên thế giới, nhưng, những cuốn sách này lại phải được viết bằng tiếng Anh. Vì thế mà nhiều khi, lễ hội tiếng nói quốc tế hóa ra lại trở thành điều đáng buồn với vẻ đẹp đa dạng và đầy đủ nhất của thế giới văn chương.

Thị trường xuất bản đang thay đổi nhanh chóng, và báo chí nhỏ là những chú ngựa ô nhanh nhẹn. Tuy rủi ro là lớn hơn rất nhiều so với các tập đoàn xuất bản lớn, nhưng họ lại đưa ra những tác phẩm không thể nào quên. Các trang xã hội như Blog và Buzz liên tục xoay quanh những những cuốn sách này, và độc giả của sách dịch không ngừng quảng bá cho phát hiện mới nhất của họ.

Thu thập của chúng tôi cho thấy rằng, các nhà xuất bản lớn và các phương tiện truyền thông đang đánh giá thấp độc giả của họ. Người đọc không hề ngại các bản dịch. Hãy thử tượng tượng xem sẽ thế nào nếu trên giá sách của chúng ta thiếu đi Kafka, Márquez, Allende hay Kawabata? Bây giờ là thời điểm để chúng ta xóa bỏ đi những e ngại đối với sách dịch, lắng nghe ý kiến của người đọc, và đọc các câu chuyện được viết từ bất kỳ đất nước nào. Vương quốc Anh cần phải ném đi cái ảo tưởng thuộc địa rằng, chỉ có tiếng mẹ đẻ mới có thể cung cấp các tư tưởng vĩ đại.

Cách đây không lâu, tiếng nói văn học của phụ nữ đã chiến thắng trong cuộc chiến của mình. Bây giờ là trận chiến văn hóa mới xung quanh tiếng nói của văn học dịch và các nhà xuất bản nhỏ độc lập. Họ đã đưa cánh tay lên để thách thức và tạo cơ hội cho những người khác tham gia vào cuộc chiến này.

Đăng nhận xét