Tại sao một số biên dịch viên tự do lại thất bại?

Tôi tự biết mình chưa xứng tầm một chuyên gia trong lĩnh vực của mình, và cũng không giỏi phán xét hoặc đưa ra những lời khuyên, nhưng trong quá trình làm việc tôi luôn cố gắng quan sát mọi thứ và rút ra những kinh nghiệm, hơn thế, đặc biệt "nhạy cảm" với những sai lầm. Bản thân tôi là một người đang khởi nghiệp và cũng làm việc với rất nhiều biên dịch viên mới bước vào nghề (trong đó có cả các bạn sinh viên còn đang ngồi trên ghế nhà trường). Tôi đã dõi theo công việc của mọi người một vài tháng, thậm chí cả năm, đôi khi rảnh rỗi, tôi còn chuyện trò với họ-những người tôi luôn cho là đồng nghiệp. Trong số đó, có một số người coi công việc của mình là công việc của một biên dịch viên chuyên nghiệp, của một biên dịch viên tự do, thậm chí là một dịch giả, còn một số ít cứ đơn giản là "người dịch" và không suy nghĩ quá nhiều về những chuyện ngoài lề và có những người rất thành công trong khi những người khác thì không. 
                             

Thất bại là điều thường thấy và các biên dịch viên tự do phải học cách đương đầu với nó
Qua những trải nghiệm của tôi cùng nguồn tư liệu nghiên cứu và lĩnh hội được, nghĩ đến những người mới làm nghề và những sinh viên làm dịch thuật, trong khuôn khổ bài viết này tôi muốn chỉ ra những cạm bẫy chết người có thể gây ra những hậu quả vô cùng nghiêm trọng cho những ai đang bắt đầu tung ra những gói dịch vụ đầu tiên của mình.Tôi tin chắc rằng những người đọc bài viết này cũng sẽ gom góp được những mẹo nghề nho nhỏ và những câu chuyện thú vị để bổ sung vào kho tàng kinh nghiệm thực tế của mình! 
  • Hi vọng nhận lại quá nhiều từ những nỗ lực marketing quá đơn điệu và thiếu tích cực. Tôi đã gặp rất nhiều câu hỏi của những biên dịch viên tự do mới vào nghề cảm thấy chán nản "không hiểu tại sao họ đã ứng tuyển tới hơn 30 công ty dịch thuật mà chẳng nhận được một đơn hàng dịch nào".  Tôi biết, nói ra điều này có thể làm các bạn thấy chán nản hơn nữa nhưng sự thật là trong suốt 1 năm khởi nghiệp này, tôi đã ứng tuyển tới hàng trăm công ty dịch thuật, công ty tư nhân ngoài ngành dịch thuật và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác nhau. Sau đó, tôi lại tiếp tục gửi đi biết bao nhiêu bức thư nhắc hỏi họ về việc hồi âm hoặc có những câu chuyện sâu sắc hơn với những đơn vị có những lời phúc đáp tích cực, cảm ơn họ đã quan tâm và để cho họ biết rằng tôi đủ năng lực và rất thiện chí cộng tác cùng họ trong tương lai.
  • Hi vọng giai đoạn khởi nghiệp diễn ra nhanh hơn so với thực tế yêu cầu. Tôi nghĩ 6 tháng là khoảng thời tối thiểu cho niềm hi vọng đó - 2 tháng để tìm kiếm công việc, 2 tháng để thực hiện công việc và 2 tháng để đảm bảo nguồn thu nhập. Một năm có lẽ là khoảng thời gian lý tưởng hơn và tôi nghĩ rằng phần lớn các biên dịch viên tự do sẽ vươn lên như "diều gặp gió" sau khoảng 3 năm làm việc cần mẫn.
  • Có kỹ năng ngôn ngữ kém. Thật khó để phát triển toàn diện năng lực ngôn ngữ và vốn văn hóa cần thiết cho một biên dịch viên chuyên nghiệp mà không dành ra ít nhất 1 năm để nghiên cứu sâu hơn về cặp ngôn ngữ anh ta định làm việc và sự yếu kém về ngôn ngữ cũng như vốn văn hóa, thậm chí kiến thức chuyên ngành sẽ sớm giết chết sự nghiệp của anh ta, không thì cũng ghìm chân anh ta thêm một khoảng thời gian dài ở giai đoạn khởi đầu.
  • Không chịu "xuất đầu lộ diện". Có thể bạn là người không giỏi giao tiếp với người lạ, bạn không muốn ai đó tìm thấy địa chỉ của bạn trên mạng hoặc bạn thấy phiền hà, thậm chí mệt mỏi với việc giao tiếp online. Nhưng có một sự thật hết sức đơn giản khi làm việc tự do mà bạn phải công nhận, đó là nếu họ không biết bạn ở đâu, họ không thể thuê bạn; họ càng không thể giao việc cho bạn nếu họ không biết bạn là ai. Do vậy, dù là mặt đối mặt hay trực tuyến, hoặc cả hai, bạn phải trú trọng giao tiếp thay vì giấu mình ở một nơi nào đó.
  • Mắc kẹt trong đống việc làm giá rẻ nhạt nhẽo. Hầu hết những người mới vào nghề đều không định giá rõ ràng cho các gói dịch vụ của mình dẫn đến việc đôi khi không được nhận thù lao tương xứng, dẫu sao, có việc mà làm vẫn còn hơn không, và bạn phải bắt đầu góp sức tận tình cho một nơi nào đó nếu muốn chen chân vào ngành công nghiệp mới này. Nhiều người làm tự do nghĩ rằng sau một vài tháng/năm, họ sẽ tiếp cận những khách hàng "chịu chơi" hơn. Nhưng nếu bạn đang dịch 10 tiếng/ngày mà chỉ đủ ăn thôi thì cũng phải rất lâu nữa mới tiến tới được mục tiêu ấy, vì vậy bạn không có cách nào khác là phải gắn bó với mức thù lao hiện tại.
  • Tiếp tục từ chối nhận quá nhiều việc. Có một người làm tự do đã từng nói rằng trở thành một người tự quản lý và kinh doanh có nghĩa là làm việc 60 tiếng/tuần cho chính mình để không phải làm việc 40 tiếng/ tuần cho một người/đơn vị nào khác. Tôi là người tin rằng chúng ta nên tránh suốt đời phải làm việc ngoài giờ nhưng bản chất của câu nói ấy đa phần là đúng.Khi trao đổi về vấn đề này, nhiều người cho rằng ý tưởng ấy nghe chừng rất hấp dẫn nhưng có vẻ như bày ra "rất nhiều việc để làm". Tất nhiên! Rất nhiều việc. Nhưng tôi thích gom tất cả "cái sự nhiều" ấy vào kho dự án của mình còn hơn là để chúng lọt vào tay những người khác.

Đăng nhận xét