Cách thiết lập mối quan hệ hợp tác đôi bên cùng có lợi với những người làm việc tự do khác


Làm việc tự do một cách độc lập có rất nhiều lợi ích: Bạn làm sếp của chính mình, bạn tự xây dựng thời biểu làm việc theo nhu cầu cá nhân, bạn tự do lựa chọn dự án dịch và hơn nữa, bạn có thể làm tất cả công việc mà gần như không phải bỏ ra một chút chi phí nào. Tuy nhiên, mỗi dịch giả tự do vẫn phải đối mặt với những giới hạn và thách thức nhất định mà chính mô hình công việc này đặt ra. Một trong những vấn đề chính khi làm việc cá nhân là việc bạn thường thấy mình gần như tách biệt khỏi mạng lưới những người làm chuyên nghiệp-một thực tế làm hạn chế loại hình dự án bạn có thể tham gia.

Làm việc tự do là làm chủ chính mình

Bạn có thể làm được rất nhiều việc với khả năng độc lập của mình, nhưng nếu bạn tạo ra những sợi dây kết nối lâu dài và bền vững với các chuyên gia khác (không nhất thiết phải là trong lĩnh vực của mình) và gắn liền với họ trong công việc, bạn hoàn toàn có thể mở rộng mạng lưới kinh doanh và khả năng nhận nhiều nguồn việc hơn, đáng giá hơn. Mẹo ở đây là bạn hãy nuôi dưỡng những mối quan hệ này và đó chính là nội dung chúng ta bàn tới trong khuôn khổ bài viết.


Bước 1: Xác định điểm yếu của bạn

Trước khi bạn tiếp cận với các đồng nghiệp làm tự do như mình cùng với những lời đề nghị hấp dẫn, hoặc khi bạn đang cân nhắc một lời đề nghị nào đó mà người khác đưa ra cho mình, trước tiên bạn hãy thử nghĩ tới những kỹ năng và kiến thức về chuyên môn mà mình có thể chia sẻ và cố gắng đánh giá một cách khách quan xem bạn còn thiếu những gì hoặc cần bổ sung những gì cho dịch vụ của mình. Ví dụ, đối với một nhà thiết kế web tự do, bạn có thể xây dựng mối quan hệ hợp tác bằng cách đề nghị anh ta giúp bạn thiết kế giao diện website hoặc blog của mình, đổi lại bạn có thể giúp anh ta dịch nội dung website hoặc dịch tài liệu chuyên môn khi cần. Tất cả các chuyên gia trong các lĩnh vực khác đều có thể có những công việc đụng chạm đến việc thiết kế website và dịch vụ dịch thuật, nếu biết cách tận dụng các mối quan hệ nảy sinh trong công việc, bạn sẽ thu lại rất nhiều lợi ích.

Tuy nhiên, những mối quan hệ chắc chắn không chỉ dựa trên dòng việc định sẵn mà còn phụ thuộc vào tính cá nhân và năng lực thực thụ. Ví dụ, bạn phải nhận ra rằng một mối quan hệ tốt với một người nào đó giỏi marketing và quảng bá thương hiệu cá nhân chính là điều bạn cần vì bạn không thực sự xuất sắc trong những nhiệm vụ này, hoặc rằng tinh thần tự do sáng tạo của bạn có thể được hưởng lợi từ việc hợp tác với người vững chắc và hiệu quả hơn trong tiến trình làm việc.

Bước 2: Trao đổi những kỳ vọng chung

Trước khi triển khai bất cứ dự án chung nào, cần phải đảm bảo rằng bạn và đối tác tiềm năng của bạn đều có chung những kỳ vọng liên quan đến việc phân chia khối lượng công việc, lịch trình làm việc, mức thù lao, việc đưa ra quyết định và các vấn đề khác nữa.


Cần phải trao đổi những vấn đề này từ trước và đảm bảo các bạn đều có chung suy nghĩ. Nếu người bạn đang đàm phán có kinh nghiệm đi trước trong các mối quan hệ cộng tác với những người làm tự do khác, hãy hỏi họ xem làm thế nào mà họ có thể sắp xếp mọi thứ trước đó và xem bạn thích điều gì trong diễn tiến công việc của họ, hay là xem bạn có thể xác định những vấn đề tiềm ẩn ở đâu.

Bước 3: Giữ mối quan hệ tiếp tục phát triển

Một việc quan trọng cần phải làm là thiết lập mối quan hệ có thể tiến xa hơn một dự án hợp tác đơn lẻ và có thể thực sự biến thành một nguồn thu nhập ổn định. Để làm được điều đó bạn cần giữ vững mối quan hệ xã hội và mối quan hệ nghề nghiệp với mạng lưới cộng sự tự do của mình. Điều đó có nghĩa là bạn phải tích cực xuất hiện tại các sự kiện, nắm lấy cơ hội tiếp xúc qua những bữa trưa chớp nhoáng, cập nhật và chuyển tiếp những thông tin liên quan đến công việc… Tất cả những việc này đều giúp bạn xây dựng và củng cố lòng tin đối với các đối tác tiềm năng và gửi đi những tín hiệu cho thấy bạn là một người đồng đội thực thụ và đắc lực.


Hãy cân bằng giữa sự thân thuộc và mối quan hệ nghề nghiệp; duy trì tần suất giao tiếp hợp lý; đồng thời đảm bảo kết nối cả những điểm mạnh và điểm yếu của bạn với những người có thể bổ sung cho bạn trong công việc. 

Nếu bạn đáp ứng được những bước cơ bản trên đây, chắc hẳn mối quan hệ hợp tác của bạn sẽ tiến triển theo cách thức có lợi cho cả đôi bên.

© Biên dịch viên Đặng Thành Công
Trợ lý giám đốc, Công ty Dịch Thuật Chất Lượng Cao
Chủ bút, Đọc Truyện Tranh-Học Tiếng Anh
Chủ bút, Blog Dịch Thuật

Đăng nhận xét